Hi Khách | Đăng nhập | Đăng kí |
Tôi lập gia đình muộn và có đứa con gái duy nhất khi gần bốn mươi tuổi. Tôi không thể quên cái lúc nữ hộ lý đặt vào vòng tay con gái bé bỏng cuộn trong chăn bông trắng tinh. Tôi chưa từng thấy tạo vật nào bé nhỏ và dễ thương đến thế. Một thiên thần thực sự. Đôi mắt đen dài nhìn tôi chăm chú, những lọn tóc mềm mại đen nhánh viền quanh khuôn mặt đỏ hồng. Vợ tôi vẫn nằm trong phòng hồi sức sau ca mổ. Bà bác sĩ cho tôi biết tình hình sức khoẻ của hai mẹ con đều rất tốt, “nhưng có một điều này, nhỏ thôi…”, bà hạ giọng. Tôi, người luôn bình tĩnh trong mọi tình huống căng thẳng, đã thấy trái tim mình thắt lại lúc đó. “Bác sĩ cứ nói”, tôi như bị hụt hơi. Bà bác sĩ nới rộng tấm chăn bông, rút ra bàn tay trái của cô bé. Ở gốc ngón cái đang co lại, còn có một mẩu nhỏ nhô ra. Một ngón tay đi lạc. Tôi còn chưa hết choáng váng, bà bác sĩ nhẹ nhàng trấn an: “Dị tật nhỏ xíu này không ảnh hưởng sức khoẻ của bé. Chỉ là vấn đề thẩm mĩ. Khi đứa trẻ lớn, chúng ta sẽ làm phẫu thuật bỏ đi ngón tay thừa, không khó khăn lắm.” Giọng nói từ tốn cùng những từ nhỏ xíu, lớn lên làm tôi nhẹ nhõm lại ngay. Tôi áp môi lên trán thiên thần nhỏ trước khi trả lại cho nữ hộ lý mang vô phòng dưỡng nhi.
Chi Chi thực sự là một đứa trẻ mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mơ ước, tôi tin là vậy. Con bé tinh nghịch, khoẻ khoắn và vô cùng hiếu động. Vợ tôi muốn cắt tóc ngắn cho mát nhưng con bé khóc ầm lên, thế là có hai cái đuôi sam vắt vẻo sau tai như người da đỏ. Ở các không gian rộng, con bé rất khoái chơi trò nắm tay ba mẹ, đu mạnh về phía trước một quãng dài như được bay, thích thú reo to và hai má ửng đỏ. Vẻ xinh xắn của con bé làm nhiều người chú ý, đến gần vuốt ve. Tuy nhiên, nếu nhận ra bàn tay trái bất thường, họ sẽ lùi lại, có gì đó hơi sợ hãi. Còn quá nhỏ nên Chi Chi không nhận ra điều này. Nhưng vợ tôi thì buồn bã. Cô ấy tự hỏi mình đã làm gì sai mà đứa trẻ phải nhận lấy sự không hoàn hảo. Tôi bảo đó chính là điểm dễ thương riêng có của Chi Chi, nhưng chỉ làm vợ tôi buồn thêm. Cô ấy may chiếc áo đầm có túi, bày cách để con bé giấu bàn tay vào khi đi chơi. Tuy nhiên chỉ một lúc là cô nàng hiếu động quên ngay vì chơi trò đu bay hay chạy đua hất tung bím tóc vui hơn việc làm đỏm nhiều.
Tôi chỉ thực sự lo lắng khi Chi Chi vô lớp Một. Không có sự che chở của ba mẹ, con bé sẽ tự mình đương đầu với các tò mò ác ý. Ba ngày đầu trôi qua yên ổn. Cho đến ngày thứ tư, tôi đến đón thì cô giáo dẫn con bé ra cổng, một bên bím tóc rối bù và đôi mắt đỏ hoe. Chi Chi đã đấm một tên nhóc và bị đánh lại, vì thằng bé kia gọi nó là “quái vật”.
“Ngón tay nhỏ xíu đâu có gì làm xấu, sao bạn đó gọi con là quái vật, ba?”- Chi Chi ôm lưng tôi ngây thơ hỏi. Tôi giải thích rằng cậu bạn kia hiểu lầm thôi. Rồi tôi hứa sẽ đến nói chuyện với cậu ta để đừng chọc phá con bé nữa. Chi Chi lắc đầu: “Khỏi ba. Bạn ấy sẽ quen với bàn tay của con. Vì con cũng sắp quen nghe bạn nói ngọng rồi!” Tôi sửng sốt trước sự thông minh của bé. Bằng cách nào mà một đứa trẻ lại có thể biết được sự cần thiết của việc chấp nhận những khuyết điểm của nhau để cùng sống hoà thuận? Đúng như Chi Chi tin tưởng, sau một thời gian thì ở lớp chẳng ai trêu chọc ai nữa. Việc bạn này học rất giỏi hay bạn kia vẽ rất đẹp đáng quan tâm hơn nhiều.
Năm tháng tiểu học của Chi Chi trôi qua êm đềm. Có thể nói con bé sống hoà thuận với ngón tay nhỏ xíu cũng như với mọi người xung quanh, không có rắc rối nào hết. Kỳ nghỉ Hè trước khi con bé lên lớp Sáu, vợ tôi đặt ra vấn đề quan trọng: Đây chính là thời điểm đưa Chi Chi đến bác sĩ giải phẫu bỏ đi ngón tay thừa, còn nếu không thì sẽ phải chờ thêm vài năm nữa. Vợ tôi bày tỏ: “Em không muốn con bé vào trường mới lại bị trêu chọc.” Tôi rất phân vân, làm thế nào để giải thích cho cô con gái bé nhỏ hiểu rằng ngón tay ấy là thứ có thể gây nên kỳ thị và nên được cắt bỏ. Nói thẳng sự thật có làm tổn thương Chi Chi? Có cần thiết bắt con bé chịu đau đớn của cuộc phẫu thuật? Mặt khác, tôi cũng hiểu vợ tôi hoàn toàn có lý. Khi người ta lớn lên, có những điều ngộ nghĩnh lại trở thành rào cản. Sau mấy đêm cân nhắc đắn đo, hai vợ chồng tôi nghĩ ra một cách.
Cô con gái của chúng tôi hết sức nghiêm trang khi tôi nói về nguy cơ bệnh tật nếu bàn tay có một ngón dư. Con bé mím môi: “Nghĩa là con có thể ốm nặng rồi chết đi?” Vợ tôi run run khẽ gật đầu. Tôi nói thêm: “Phẫu thuật ngăn chặn căn bệnh. Nhưng sẽ rất đau.” Chi Chi suy nghĩ một lúc rồi thở dài: “Con đồng ý đến bệnh viện. Đau cũng được. Miễn là ba mẹ không buồn vì con bị ốm.” Một lần nữa cô bé can trường l