Hi Khách | Đăng nhập | Đăng kí |
Tất cả đồ chơi trong cửa hiệu đều bằng gỗ. Nếu có phép màu, Quỳnh Anh sẵn sàng biến thành một món trong này. Món nào cũng được vì món nào cũng đẹp. Mô hình hai ông già Noel lái trực thăng và thả thang dây để chui vào các ống khói, phát quà cho trẻ em. Những thiên thần mặc váy trắng đang đàn hát trên đám mây xốp bồng. Xe lửa to với những hình người trong các toa khách đang ngắm cảnh, ăn sáng, đọc báo, vân vân y như thật. Sau một vòng dạo quanh với đôi mắt giương tròn, Quỳnh Anh đến bên mô hình trang trại nhà gấu. Lần đầu nhìn những chú gấu tận mắt, không qua lớp kính dày, cô thấy chúng còn mê ly hơn vạn lần. Khi cô toan nhấc một chú gấu lên, thì tâm trí cũng vừa tỉnh. Cô vội rụt tay lại, nuốt nước bọt đánh ực đầy thèm thuồng.
Quỳnh Anh loay hoay hoài bên mô hình, mãi không tìm thấy mác giá. Cô muốn biết nếu mình tiết kiệm gắt gao thì bao giờ có thể đem nó về nhà. Đúng lúc ấy, ông già tóc bạc chủ hiệu đồ chơi đến bên cô.
“Đây là Philip, nó là Ivan, kia là Francois, còn đó là Isabella…” – Ông già chỉ tên từng chú gấu cho Quỳnh Anh. Rồi ông mỉm cười hóm hỉnh nhìn cô bé châu Á mắt một mí. – “Thế tên cháu là gì?”
“Cháu là Quỳnh Anh.” – Cô cười ngoan đáp lại ông, chìa tay ra xin bắt. Mẹ cô dạy đây là cách chào lịch sự của người phương Tây.
“Mô hình này ông dành cho cháu ông, không bán đâu. Cháu có thể chọn các món khác trong cửa hiệu, ông chỉ cháu nhé.”
“Cháu không mua đâu, chỉ ngắm thôi.” – Quỳnh Anh nhìn xuống đất, hai tay vân vê ve áo len. – “Cháu không thể vòi bố mẹ đồ chơi xa xỉ. Nhà cháu mới đến đây từ Việt Nam… Cháu ông sướng thật đấy! Ông tên gì thế?” – Cô đột ngột đổi giọng, ngẩng nhìn ông già, cười tít cả mắt. Noel là dịp vui của xứ này, cô thấy thật không phải khi kể khổ với người lạ.
“Ừ!” – Ông già nhìn cô trìu mến. – “Tên ông là Muller. Nếu thích, mỗi ngày cháu có thể đến đâu ngắm đồ chơi.”
“Thật không ông?” – Giọng Quỳnh Anh reo vang như tràng chuông nhỏ. Nụ cười cô bập bùng mãi trên môi sau cái gật đầu của ông già.
Sự xuất hiện của Quỳnh Anh khiến ông Muller thấy rất dễ chịu. Lâu rồi ông mới lại được sưởi cái ấm áp của mùa Noel, qua nụ cười như mặt trời của cô bé xa lạ. Cháu trai ông cũng tầm tuổi cô, mà nhiều năm rồi ông không gặp được. Con gái ông mất sớm, con rể lấy vợ mới đem cháu ông đi sống ở xa.
4. Từ Noel đó, ngày nào sau giờ học và mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Quỳnh Anh đều đến cửa hiệu đồ chơi của ông Muller. Cô phụ ông chăm sóc các món đồ chơi, dùng khăn bông mềm lau bụi, giữ cho chúng luôn mới. Ông kể cho cô nghe về ông già tuyết, giấc mơ của thiên thần, cuộc sống các con vật – cái thì có ghi trong sách vở, cái do ông sáng tạo nên. Thuộc hết những câu chuyện đằng sau các món đồ chơi, Quỳnh Anh càng yêu thích chúng.
Qua nhiều năm, ông Muller dạy cho Quỳnh cách phân biệt các loại pho mát và xúc xích, văn hóa Đức, thói quen đúng giờ và nghiêm túc của người Đức… Cô thấy mình hòa nhập ngày một dễ dàng hơn với vùng đất này. Thi thoảng, ông còn cho cô xuống xưởng gỗ sau cửa hiệu, nơi ông chế tác các món đồ chơi và kể cho cô nghe chuyện của cháu ông qua các bức thư cậu ấy gửi. Cô bé Việt Nam trở thành bạn của một ông già Đức.
Một chiều giữa tháng Tư, Quỳnh Anh như thường lệ ghé cửa hiệu sau giờ học. Nhưng cách cô đẩy cửa vào khiến ông Muller thấy lạ. Rồi cả buổi, cô lau chùi các món đồ chơi bằng dáng điệu nâng niu hơn mọi ngày. Mấy lần cô toan nói gì với ông, nhưng mãi không dám cất lời.
“Ông ơi, hết năm học này nhà cháu sẽ chuyển đến Munich (2), tận đầu kia nước Đức cơ.” – Quỳnh Anh buồn bã nói khi đang lau những chú gấu trong mô hình trang trại mà cô luôn yêu thích nhất.
“Ồ, thế tốt rồi!” – Giọng ông Muller nhiều vui mừng để không làm tâm trạng Quỳnh Anh xuống sắc thêm. Ông nhìn cô bé trìu mến. – “Cháu đã lớn phổng thế này, không còn là cô bé gầy đét ngày xưa nữa. Vài năm nữa cháu vào đại học, ở thành phố lớn như Munich, cháu sẽ có nhiều lựa chọn hơn Wuttenberg nhỏ bé này. Cuộc sống của người trẻ thú vị lắm, thú vị hơn thế giới đồ chơi nhiều.”
“Bố mẹ cháu cũng nói như ông.” – Quỳnh Anh vẫn buồn thiu. Cô đã mười bốn tuổi nhưng cái thế giới đồ chơi thần kỳ vẫn luôn mê hoặc cô.